Mô tả cây nhân sâm
Cây nhân sâm là một cây sống lâu năm, cao chừng 0,6m. Rễ mọc thành củ to.
Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được một năm (nghĩa là sau khi gieo được 2 năm) thì cây chỉ có 1 lá với 3 lá chét, nếu cây nhân sâm được 2 năm cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét. Cây nhân sâm 3 năm có 2 lá kép, cây nhân sâm 4 năm có 3 lá kép, cây nhân sâm 5 năm trở lên có 4 đến 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét (đặc biệt có thể có 6 lá chét) hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, cây nhân sâm mới cho hoa, kết quả.
Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm.
Quả mọng hơi dẹt to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm năm thứ 3 chưa tốt. Thường người ta bấm bỏ đi đợi cây được 4-5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống.
Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả tháng 6-8
Phân bố sinh thái
- Chi Panax L. có khoảng hơn 10 loài trên thế giới, phân bố ở vùng ôn đới Bắc bán cầu. Trong đó, nhân sâm là loài cây thuốc nổi tiếng trong nền y học dân tộc Phương Đông từ thời thượng cổ đến nay.
- Nhân sâm có vùng phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng núi thuộc Viễn Đông Liên bang Nga, phía bắc CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Cây đã được trồng từ lâu đời ở bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Liên bang Nga. Những năm gần đây, cây còn được nhập trồng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên qua nhiều lần trồng thử nghiệm, cho đến nay đều chưa thành công ở Việt Nam.
- Nhân sâm là cây của vùng ôn đới. Cây ưa khí hậu ẩm mát về mùa xuân hè và chịu đựng tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp, với 3-4 tháng có băng tuyết của mùa đông. Mặc dù vậy, lượng mưa ở những vùng có nhân sâm mọc tự nhiên cũng như vùng trồng thường thấp hơn nhiều (chỉ bằng 50%) so với ở vùng nhiệt đới. Nhân sâm là cây đặc biệt ưa bóng. Trong tự nhiên, cây mọc dưới tán rừng kín, lẫn trong tầng cỏ quyết. Chính vì vậy, người ta phải trồng nhân sâm trong điều kiện vườn có mái che tới trên 80%. Để thích nghi với thời kỳ có nhiệt độ thấp trong năm, toàn bộ phần trên mặt đất của cây bị tàn lụi qua mùa đông. Chồi ngủ ở đầu rễ củ hình thành ngay từ giữa mùa hè, trong suốt mùa thu – đông tồn tại trong trạng thái “ngủ” và chỉ mọc lên khỏi mặt đất vào đầu mùa xuân năm sau. Cây nhân sâm trưởng thành (khoảng 3-4 tuổi) ra hoa quả hàng năm. Quả chín rơi xuống tầng thảm mục sẽ tồn tại qua mùa đông và nảy mầm vào mùa xuân năm sau. Hạt nhân sâm khô nhìn chung có khả năng nẩy mầm tương đối thấp. Do đó, người ta thường phải gieo hạt lúc còn tươi.
- Cây được trồng bằng hạt, thời gian gieo thường vào cuối tháng 10-11.
- Cây sau 6 năm có thể thu hoạch được. Nhân sâm thường được thu hoạch vào mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 10) đào củ, chú ý tránh làm rễ bị đứt, không phơi gió, phơi nắng để giữ nguyên độ ẩm trong sâm. Sau đó chia loại sâm tốt để chế hồng sâm, loại kém để chế bạch sâm.
Bộ phận dùng
- Rễ cây nhân sâm, thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu.
- Người ta cho rằng loại mọc hoang tốt hơn loại trồng.
- Trong y học cổ truyền, người ta phân biệt hai loại chính: hồng sâm và bạch sâm.
Chế biến nhân sâm (hồng sâm, bạch sâm):
- Hồng sâm:
Ít nhất 37g, rửa sạch đất từng củ một bằng bàn chải nhỏ, rửa ở dưới nước, để nguyên cả rễ, kể cả rễ nhỏ, rửa như vậy sẽ được củ sâm trắng ngà. Cho vào nồi hấp ở áp lực hơi nước cao 2 atmotphe từ 1 giờ 20 phút đến 1 giờ 30 phút. Nhiệt độ hấp 80-90oC. Sau đó sấy khô ở nhiệt độ 60-70oC (6-7 giờ) hoặc ở 50- 60oC (8-10 giờ) nên sấy khô hết sức mau.
Sau khi sấy khô, dùng tay rứt các rễ con để riêng gọi là tu sâm, củ sâm còn lại giống như hình người (nếu không giống thì sửa cho giống) phơi ra nắng từ 7 đến 15 ngày (tuỳ theo sâm to hay nhỏ) là được. Sau đó chia hồng sâm thành hai cấp: Cấp trời (màu đẹp, dáng đều đặn, giống người), còn lại cấp đất. Cuối cùng đóng gói từng cân ta (600g) một.
Loại tốt nhất 15 củ nặng 600g loại kém nhất 60 củ = 600g.
-
- Bạch sâm:
Những củ sâm không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm thì đem chế bạch sâm.
Trước hết cắt bỏ rễ con, dùng dao tre cạo sạch vỏ mỏng, sau đó phơi nắng cho hơi khô, đem vào sửa thành hình người rồi lại phơi nắng cho khô hẳn. Thời gian phơi cả trước lẫn sau hết chừng 7 đên 15 ngày. Sau đó đóng gói như hồng sâm. Thường hồng sâm được đóng vào hòm gỗ, bạch sâm đóng vào hòm giấy.
Gần đây, tại nhiều nước, nhân sâm đã được phát triển bằng nuôi cấy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân sâm.
-
- Ngoài hai loại trên, ta còn có các loại khác nhau như:
– Sinh sát sâm là loại sâm để nguyên vỏ, sau khi loại đất cát, phơi khô.
– Đại lực sâm là loại sâm khi chế biến có nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi khô.
– Tu sâm là rễ con của củ sâm
– Để làm tăng “tính ấm” của sâm người ta chế thêm gừng (nhân sâm 1kg, gừng tươi 0,1kg). Đem gừng rửa sạch, cạo lớp vỏ ngoài, giã nát vắt lấy nước cốt, tẩm vào nhân sâm phiến, ủ 30 phút cho ngấm hết nước gừng, sao nhỏ lửa cho đến khô.
– Hiện nay, trên thị trường còn có loại chè sâm là dịch chiết sâm bốc hơi vào bào chế dưới dạng bột hòa tan đựng trong túi giấy bạc.
Thành phần hoá học
- Thành phần Saponin gồm các ginsenosides: Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2,… Các ginsenosides này có tác dụng: giải độc, chống viêm gan, tác dụng kiểm soát kết tập tiểu cầu, tác dụng kháng tiểu đường, tránh xơ cứng động mạch, tác dụng làm giảm đau liên quan đến tế bào thần kinh não, tác dụng tăng cường sinh lý, tác dụng hạ đường huyết, chống tiểu đường, tác dụng chống loét dạ dày…
- Trong đó, thành phần Rh2, Rg3 có tác dụng khống chế và kìm hãm sự phát triển của khối u, ngăn ngừa bệnh ung thư. Hiện nay, bằng công nghệ tiên tiến hơn, các nhà khoa học đã sử dụng thành phần Rh2, Rg3 từ Hồng Sâm để chế biến các loại thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư, dùng để hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh ung thư.
- Các thành phần Malnonyl Rb1, Rb2, Rc, Rd có tác dụng chống lão hóa, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể duy trì thể trạng và kéo dài tuổi xuân. Nhờ vào các hoạt chất này, các ngành chăm sóc sắc đẹp đã chế tạo ra nhiều loại kem Hồng Sâm chống lão hóa, làm đẹp da, làm giảm các vết nám mang lại nét đẹp rạng ngời cho các chị em phụ nữ.
- Ngoài các thành phần ginsenosides, Malnonyl, Nhân Sâm chứa 7 hợp chất polyacetylen, 17 axit béo (axit palnitic, axit stearic, oleic, ) trong đó có đủ 8 loại axit cần thiết cho cơ thể và 20 nguyên tố hóa học Fe, Mn, Co, Se, K. Các thành phần khác là glucid, tinh dầu… cung cấp đầy đủ những vi chất cần thiết cho cơ thể.
Tác dụng dược lý
1.Đối với hệ thần kinh trung ương:
Nhân sâm có tác dụng đặc biệt với hệ thần kinh trung ương. Căn cứ vào quan sát trên điện não đồ và dùng phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện thấy nhân sâm chủ yếu tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ đại não, đồng thời có thể tăng cường quá trình ức chế, cải thiện tính linh hoạt của hoạt động thần kinh, hồi phục bình thường khi có sự rối loạn giữa hai quá trình trên. Lấy hoạt động phản xạ có điều kiện làm chỉ tiêu theo dõi thì thấy tác dụng gây hưng phấn vỏ đại não của nhân sâm mạnh hơn cafein và kém hơn ngũ vị tử bắc. Cũng có báo cáo cho rằng tác dụng gây hưng phấn vỏ đại não của nhân sâm kém cafein và có liên quan mật thiết với loại hình thần kinh của súc vật thí nghiệm. Nhân sâm đối kháng với tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol. Trong thí nghiệm về phản xạ có điều kiện, dùng phản ứng lẩn tránh thụ động trên chuột cống trắng, thấy cao nhân sâm và các gensenosid làm tăng khả năng học tập và khả năng lưu giữ cách cư xử đã học được. Trên người, nhân sâm cũng có tác dụng tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ đại não, đồng thời cũng tăng cường quá trình ức chế nhưng tác dụng tăng cường ức chế không mạnh bàng bromid. Nhân sâm còn nâng cao khả năng làm việc bằng thể lực và trí lực của người. Trên động vật thí nghiệm, tác dụng kháng mỏi mệt (kéo dài thời gian bơi) của nhân sâm rất rõ rệt. Đối với người, tác dụng kháng mỏi mệt cũng đã được chứng minh từ xưa. Lý Thời Trần (Trung Quốc) trong sách “Bản thảo cương mục” có ghi: cho 2 người chạy, một người ngậm nhân sâm, một người không, sau khi chạy độ 3-5 dặm, người không ngậm sâm thở mạnh, hổn hển còn người ngậm nhân sâm thở bình thường.
Nhân sâm dùng với liều tương đối lớn có tác dụng gây trấn tĩnh, làm giảm hoạt động tự nhiên của động vật thí nghiệm. Trái với những báo cáo trước đây, nhân sâm đối kháng đối với tác dụng gây co giật của các thuốc kích thích thần kinh trung ương, đối với hiệu lực gây ngủ của nembutan, nhân sâm có tác dụng hiệp đồng; còn trên thí nghiệm mãn tính, nhân sâm không thể hiện tác dụng gây trấn tĩnh hoặc gây hưng phấn. Về cơ chế tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương, có thể là nhân sâm làm tăng quá trình sinh tổng hợp và giải phóng acetylcholin, đồng thời làm giảm lượng scrotonin trong não chuột thí nghiệm. Nhưng cũng có báo cáo cho rằng hàm lượng scrotonin không bị ảnh hưởng rõ rệt. Đối với người, nhân sâm có tác dụng cải thiện giấc ngủ rõ rệt, liều lớn làm xuất hiện tác dụng gây trấn tĩnh.
2. Đối với chức năng phản ứng của cơ thể:
Cũng như các vị ngũ vị tử, ngũ gia bì, nhân sâm có tác dụng sinh thích nghi (adaptogen) nghĩa là có khả năng tăng sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể đối với những yếu tố gây độc hại. Trên tế bào nuôi cấy của các loại động vật có vú, cơ quan cô lập hoặc động vật hoàn chỉnh xử lý với nhân sâm trước và trong khi cho tiếp xúc với các stress lý học, hóa học hoặc sinh học, đều có khả năng tăng cường sức chống đỡ của động vật hoặc của cơ quan tương ứng với tác dụng dây tổn hại của các tác nhân gây stress. Những kết quả này cũng được chứng minh trong trường hợp nhiễm độc do chiếu xạ, lây nhiễm virus, cấy ghép ung thư, nhiễm độc rượu, carbon tetrachlond, thiếu oxy, áp lực giảm, stress tinh thần, shock điện hoặc cử động gò bó. Trên chó gây mất máu với lượng lớn hoặc bị ngạt thở, tiêm ngay lập tức dịch nhân sâm làm cho huyết áp đã bị hạ thấp dần dần tăng cao đến mức ổn định và giúp động vật hồi phục sức khỏe bình thường. Do có tác dụng làm thay đổi tính phản ứng của cơ thể, nên dùng nhân sâm có thể cứu gà khỏi tử vong sau khi đã tiêm ký sinh trùng sốt rét. Nhân sâm dùng dài ngày còn có khả năng phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây nên, giảm độc tính một số chất độc (benzen) đối với cơ thể, có tác dụng phòng ngừa sốc quá mẫn và những triệu chứng do thiếu vitamin B1, B2 gây nên. Nhưng nhân sâm không có tác dụng đối kháng với adrenalin và histamin. Cơ chế tác dụng có thể là thông qua trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận. Trên chuột cống trăng tiêm xoang bụng các ginscnosid làm tăng cao hàm lượng adrenocorticotropic hocmon (ACTH) và corticosteron. Trước lúc dùng nhân sâm, xử lý động vật với dexmethason để ức chế chức năng của hạ đồi và tuyến yên sẽ ngăn cản được sự giải phóng (ACTH) và corticosteron và đã chứng minh sự tăng hàm lượng corticosteron trong huyết thanh là do gián tiếp thông qua sự giải phóng ACTH từ tuyến yên.
3. Đối với hệ nội tiết
- Với trục tuyến yên – vỏ thượng thận: nhân sâm không có tác dụng kiểu corticoid, nhưng đối với trục tuyến yên – vỏ thượng thận có ảnh hưởng nhất định. Các ginsenoid đều có tác dụng kháng kích ứng, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách và tuyến giáp trạng trong quá trình phản ứng kích ứng; đối với hàm lượng vitamin C và cholesterol trong tuyến thượng thận có ảnh hưởng rõ rệt.
- Với tuyến sinh dục, nhân sâm không có tác dụng kiểu nội tiết sinh dục, nhưng có tác dụng kích thích tuyến yên phân biệt các hocmon hướng sinh dục, tăng nhanh quá trình trưởng thành giới tính của súc vật thí nghiệm, kéo dài thời kỳ động dục của chuột cái đã trưởng thành, nếu đem thiến buồng trứng thì tác dụng trên sẽ mất đi. Cao nhân sâm tiêm dưới da cho chuột cống trắng có tác dụng tăng cường khả năng giao phối của chuột đực. Thuốc còn có tác dụng kích thích sự sinh tinh ở chuột cống và thỏ. Tăng cường khả năng hoạt động và thời gian sống của tinh trùng ở ngoài cơ thế.
- Với các tuyến nội tiết khác, nhân sâm dùng liều lớn trong thời gian ngắn tăng cường hoạt động tuyến giáp trạng thỏ, còn nếu dùng dài ngày lại có tác dụng ức chế hoạt động tuyến giáp trạng trên chuột cống trắng. Rễ, thân và lá nhân sâm có tác dụng kháng lợi niệu, tác dụng này có liên quan đến tác dụng thúc đẩy tuyến thượng thận tiết hocmon corticosteron. Thành phần có tác dụng kháng lợi niệu là panaxosid.
4. Đối với chuyển hóa chất:
- Với chuyển hóa đường: đối với thỏ đường huyết tăng do tiêm adrenalin hoặc dung dịch glucose ưu trương, nhân sâm có tác dụng làm hạ đường huyết. Trên chí bị tiểu đường thực nghiệm, trên cơ sở dùng insulin, dùng thêm nhân sâm có tác dụng cải thiện các triệu chứng chung và gây hạ đường huyết nhưng không thể thay thế insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa của đường. Trên chuột cống trắng đực bị bệnh tiểu đường do alloxan gây nên, nhân sâm có tác dụng khống chế được phần nào lượng đường huyết nhưng không ngăn ngừa được bệnh phát sinh và gây tử vong. Tác dụng của nhân sâm đối với chuyển hóa đường về cơ chế chưa được làm rõ hoàn toàn. Có báo cáo cho rằng nhân sâm tăng cường hô hấp tế bào, thúc đẩy quá trình phân hủy đường, tăng cường chuyển hóa năng lượng. Trên chuột cống trắng đã cắt bỏ tuyến giáp trạng và tinh hoàn, nhân sâm có tác dụng tăng cường chuyển hóa cơ bản.
- Với các chuyển hóa khác: dạng chiết từ nhân sâm thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp acid ribonucleic. Với liều lượng thích hợp, nhân sâm làm tăng thể trọng chuột và tăng tỷ lệ albumin/globulin trong huyết tương. Trên thỏ bình thường, ginsenosid không có tác dụng với cholesterol – huyết, nhưng trên thỏ có cholesterol – huyết tăng cao thì nhân sâm và panaxosid có tác dụng hạ thấp. Adenosin chiết được từ cao nước nhân sâm có tác dụng tăng cường quá trình hình thành lipid và tích lũy AMP vòng ở các tế bào mỡ; một vài ginsenosid có tác dụng ức chế quá trình phân hủy lipid do ACTH gây nên và xóa bỏ quá trình hình thành lipid do insulin gây nên.
5. Đối với tuần hoàn:
- Với tim, các chế phẩm từ nhân sâm đối với tim ếch cô lập và tim tại chỗ của thỏ, mèo đều có tác dụng tăng cường sức co bóp. Sau khi xử lý với atropin, tác dụng cường tim của nhân sâm vẫn còn, nhịp tim không tăng nhanh. Nhân sâm còn có tác dụng làm giảm hoặc làm mất rối loạn nhịp tim do chloroform và adrenalin gây nên. Đối với rung thất trên mèo và thỏ thí nghiệm, nhân sâm có tác dụng cải thiện nhất định.
- Với huyết áp: trên động vật gây mê, nhân sâm với liều nhỏ gây tăng huyết áp nhẹ, còn với liều lớn cóa tác dụng hạ huyết áp. Hiện tượng hạ áp có liên quan đến tác dụng làm giãn huyết quản của nhân sâm, atropin có tác dụng ức chế hiện tượng này. Đối với động mạch vành, mạch não và đáy mắt, nhân sâm đều có tác dụng gây giãn mạch. Có báo cáo cho rằng trong nhân sâm có thành phần cholin có liên quan đến tác dụng hạ áp. Các ginsenosid phong bế tác dụng gây co mạch của norepinephrir trên tiêu bản giải động mạch chủ của thỏ và ức chế sự thu nạp Ca2+ trong màng cơ tim; tác dụng ức chế sự thu nạp Ca2+ trong màng sợi cơ có thể cũng tham gia vào cơ chế gây giãn mạch.
6. Các tác dụng khác
Dịch chiết nhân sâm đối với tế bào hồng cầu chỉ làm biến màu không làm tan máu. Đối với số lượng hồng bạch cầu ngoại vi, hiện tượng đông máu, nhân sâm không có ảnh hưởng rõ rệt. Dùng nhân sâm dài ngày với liều nhỏ tăng cường hoạt động hệ thống lưới nội bì, nhưng với liều lớn lại ức chế. Tiêm dung dịch nhân sâm có tác dụng làm tăng hàm lượng erythropoietin trong tủy sống. Nhân sâm có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp acid nucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương và tổng hợp albumin huyết thanh.
Có báo cáo cho rằng đối với loét dạ dày thực nghiệm trên chuột cống trắng, nhân sâm có tác dụng điều trị và phòng ngừa nhất định, nhưng cũng có báo cáo cho rằng nhân sâm có tác dụng xấu đối với loét dạ dày thực nghiệm do thắt môn vị trên chuột cống trắng nên người ta khuyến cáo rằng đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày, nên cẩn thận khi dùng nhân sâm. Thành phần tan trong nước của nhân sâm đối với ruột cô lập chuột lang có tác dụng kích thích co bóp. Ngoài ra, saponin toàn phần và polysaccharid của nhân sâm có tác dụng điều trị và phòng ngừa bệnh nhiễm xạ, đối với u báng Ehrlich trên chuột nhắt trắng có tác dụng ức chế nhẹ. Dịch chiết bằng ether từ nhân sâm có tác dụng ức chế sarcom – 180 và adenocarcinom – 755 trên chuột nhắt trắng, nhưng đối với bệnh bạch cầu – 1210 thì không có tác dụng. Đối với một số vi khuẩn như trực khuẩn lao và đơn bào, nhân sâm có tác dụng ức chế nhất định. Thành phần panabolid chiết được từ nhân sâm đối với cơ thẳng bụng ếch có tác dụng giống acetylcholin.
Tính vị, công năng
- Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh: tỳ, phế, tâm, có tác dụng đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần, bổ tỳ ích phế.
- Sách “Bản kinh” (Trung Quốc) còn ghi nhân sâm chủ bổ ngũ tạng, an thần kinh, chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm tích trí.
Công dụng và liều dùng
- Nhân sâm là một vị thuốc cổ truyền trong đông y. Các sách cổ thường ghi nhận sâm bổ năm tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) yên tinh thần, định hồn phách, làm khỏi sợ hãi, trừ tà khí, sáng mắt, uống lâu nhẹ mình, tăng tuổi thọ, chữa các chứng đau ruột, dạ dày, nôn mửa.
- Nhân sâm là một vị thuốc bổ quý hiếm trong y học cổ truyền, làm tăng thể lực và trí lực, dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi và trong thời gian dưỡng bệnh. Ngoài ra, dược điển một số nước có ghi nhân sâm dùng chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, thần kinh suy nhược, dương ủy. Theo y lý cổ truyền, nhân sâm chủ trị: thở khó ho hen, tim đập hồi hộp, gây tràn dịch tổn thương, miệng khát, đái đường, suy nhược cơ thể, mất máu, dương ủy, lạnh cung, tỳ hư tiết tả.
- Liều dùng: ngoài những chỉ định đặc biệt (như dùng cho cấp cứu), liều thường dùng hàng ngày là 2-4g. Dùng dưới dạng lát cắt ngậm, nước sắc, rượu thuốc, cao hoặc hoàn tán. Nhân sâm dùng phối hợp với phụ tử chữa vong dương hư thoát, khó thở, chóng mặt, ra mồ hôi nhiều; với đương quy chữa mất máu nhiều và đột ngột, khí đoản mạch vi; với long cốt chữa di tinh; với tỳ bà chữa ợ chua; với hoàng kỳ chữa âm hư triều nhiệt, ho, nôn ra máu; với ngũ vị tử chữa nguyên khí bất túc; với tam thất chữa hư lao, chảy máu, hãn huyết đục thoát; với thục địa chữa nhiệt bệnh, khí thương, tân quỵ ; với thạch cao chữa tiểu đường.
Những điều chú ý khi dùng nhân sâm:
- Trường hợp thực chứng, nhiệt chứng, phàm tỳ vị nhiệt thực, phế thu hỏa tà, ho nhiều đờm, táo bón, nấc, đau tức ngực, bụng có trùng tích đều không dùng nhân sâm.
- Tương kỵ: Nhân sâm phản lê lô, ố tạo giác, hắc đậu nên không được dùng chung. Không dùng dụng cụ bằng sắt khi chế nhân sâm.
Một số kết quả thực nghiệm lâm sàng trong y học hiện đại
- Trong cấp cứu: Nhân sâm dùng với liều lớn (9 – 20g) sắc nước uống hoặc dùng dung dịch tiêm nhân sâm (mỗi ml có 0,57g dược liệu) 2 – 4ml tiêm bắp thịt hoặc tiêm tĩnh mạch, dùng cấp cứu các trường hợp sốc tim nguy kịch.
- Điều trị các bệnh tim mạch: Đối với bệnh cao huyết áp, loạn dưỡng cơ tim, xơ vữa động mạch vành, đau thắt ngực, nhân sâm có tác dụng điều trị nhất định, làm giảm nhẹ triệu chứng. Đối với huyết áp không bình thường, nhân sâm có tác dụng điều chỉnh, dùng liều nhỏ, nhân sâm có tác dụng làm tăng huyết áp, nhưng với liều cao lại có tác dụng hạ áp.
- Trong điều trị bệnh tiểu đường
Nhân sâm có tác dụng cải thiện trạng thái chung của bệnh nhân tiểu đường, nhưng không thay đổi được tình trạng đường huyết quá cao. Đối với bệnh tiểu đường thể nhẹ, nhân sâm có khả năng làm giảm đường niệu, đường huyết. Sau khi ngừng thuốc, tác dụng có thể duy trì trong vòng 2 tuần lễ. Đối với bệnh tiểu đường thể vừa, sau khi dùng nhân sâm tuy lượng đường huyết không giảm rõ rệt nhưng đa số bệnh nhân tình trạng toàn thân đều được cải thiện như cảm giác mệt mỏi, miệng khá đều giảm hoặc biến mất. Ở một số bệnh nhân dùng nhân sâm có thể giảm liều dùng insulin. - Điều trị thần kinh suy nhược
Đối với hệ thần kinh trung ương, nhân sâm có tác dụng gây hưng phấn rõ rệt, tăng cường năng lực hoạt động của cơ thể, giảm mệt mỏi, đối với suy nhược thần kinh có tác dụng điều trị tốt, làm cho bệnh nhân tăng cân, giảm mệt mỏi, giảm đau đầu và ngủ được. - Chữa dương ủy:
Trong trung dược, nhân sâm thuộc loại thuốc cường tráng thân thể, bổ dưỡng nguyên khí. Đối với dương ủy thể liệt dương và thể xuất tinh sớm, nhân sâm có tác dụng, còn đối với dương ủy có nguyên nhân tâm thần thì không có tác dụng. - Điều trị chứng bệnh suy thượng thận mãn (Addison)
Theo Vương Bản Tường (Trung Quốc) đã nghiên cứu trên 18 bệnh nhân Addison, cho uống cồn chiết từ thân lá nhân sâm (20%) với liều 20 – 30ml/ngày và tăng dần đến 150 – 300ml/ngày. Đợt điều trị kéo dài 121 ngày. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân tăng cân, huyết áp được nâng lên, lực nắm bàn tay mạnh hơn, đường huyết hồi phục, giảm lắng đọng sắc tố ở da; đối với bệnh nhân phát hiện sớm ở giai đoạn bù trừ, kết quả điều trị khả quan, có thể phục hồi khả năng lao động. Đối với bệnh nhân phát hiện muộn không còn khả năng bù trừ, cần dùng kết hợp corticoid có giảm liều. - Điều trị chứng giảm bạch cầu
Saponin chiết từ thân, rễ và lá nhân sâm dùng với liều 50 – 100mg/lần, ngày uống 2-3 lần, điều trị cho 38 trường hợp giảm bạch cầu do hóa liệu, kết quả điều trị đạt 87%. - Điều trị viêm gan cấp:
Theo báo cáo của tác giả Liên Xô trước đây, uống cao lỏng nhân sâm có khả năng làm cho chức năng gan hồi phục nhanh chóng và làm giảm khả năng bệnh chuyển thành mạn tính. Nhân sâm phối hợp với các vị thuốc khác dùng chữa nhiều bệnh.
Cách dùng trong nhân dân như sau:
- Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhai từng ít một, nuốt nước và cả bã.
- Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một ít nước đậy nắp. Đun cách thuỷ, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thuỷ tiếp tục uống, làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngày dùng 2-6g.
Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí. Dùng chữa phế hư sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí hư, sợ hãi, tiêu khát. Những người bệnh có thực tà không dùng được. Không dùng được với lê lô, ngù linh chi.
Đơn thuốc có nhân sâm trong đông y :
- Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâm) chữa cá thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược: Nhân sâm 40g. Nước 400ml (2 bát) sắc còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống xong cần nằm yên.
- Sâm phụ thang chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh: Nhân sâm 40g (có thể 20g), chế phụ tử 20g (có thể dùng l0g), sinh khương 3 nhát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Những vị thuốc dùng thay nhân sâm: Trên thị trường hiện nay có nhiều vị dùng lầm với tên nhân sâm như thổ cao ly sâm, bô’ chính sâm v.v… còn có vị thái tử sâm hay hài nhi sâm được vùng Giang Tô Trung Quốc dùng thay nhân sâm và cũng có khi đưa bán ở nước ta. - Chữa tì vị khí hư, mặt nhợt nhạt, chân tay đau mỏi, không muốn ăn, nôn mửa (Tứ quân tử thang): Nhân sâm 10g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cảm thảo (trích) 6g. Tất cả tán thành bột. Mỗi lần dùng 6g sắc với 200ml nước, còn 150 ml, uống không kể thời gian.
- Chữa bệnh tiểu đường (Ngọc hồ hoàn): Nhân sâm, rễ qua lâu, 2 vị lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn luyện với mật, làm thành hoàn to bằng hạt đậu, mỗi lần uống 20 hoàn với thang Mạch môn đông.
- Chữa ợ chua, nôn ra nước trong, đau bụng, biếng ăn, ở phụ nữa có mang (Tiểu địa hoàng hoàn cục phương): Nhân sâm (bỏ cuống), can khương, 2 vị lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, dùng nước ép sinh địa tươi nhào bột, làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 30 – 50 hoàn với nước cháo gạo trước bữa ăn.
- Chữa ngoại cảm phong hàn, phát sốt sợ rét, đau đầu ngạt mũi, ho nhiều đờm (Sâm tô ẩm): Nhân sâm, tô diếp, cát căn, tiền hồ, bán hạ, phục linh mỗi vị 22,5g, trần bì, cam thảo, cát cánh, chỉ xác, mộc hương mỗi vị 15g tán nhỏ trộn đều: Mỗi lần dùng 12g, nước 150ml, gừng 7 lát, táo 1 quả. Sắc uống lúc còn nóng.
- Chữa tâm khí bất định, ngũ tạng bất túc, hoảng hốt, ngủ hay mơ, hay nổi nóng, phát khùng:Nhân sâm, bạch phục linh mỗi vị 90g, viên chí (bỏ tâm), xương bổ mỗi vị 60g. Nghiền thành bột, luyện với mật ong, làm thành hoàn to bằng hạt đậu, dùng chu sa làm vỏ bao. Mỗi lần dùng 7 hoàn, ăn với cơm nóng, xong nằm nghỉ. Ngày dùng 3 lần.
Tham khảo: https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-nhan-sam
Quy trình mua hàng
Đăng ký tài khoản và cài đặt tiện ích
Thêm sản phẩm & Thanh toán Số tiền đặt cọc tối thiểu (100.000đ/sản phẩm)
Đơn hàng đến kho Hàn cân ký & gửi về Việt Nam. Khách thanh toán số tiền còn lại
Vận chuyển đơn hàng về Việt Nam bằng đường hàng không.
Giao hàng tại nội địa Việt Nam.
Đơn hàng đến tay khách hàng.
Khách hàng cần hỗ trợ mua hàng vui lòng gọi hoặc nhắn tin qua zalo 0981.205.220
bài viết liên quan
Top sản phẩm bán chạy
(Footy Big Bite) Footy Insect Joint 50g
Cao Hồng Sâm Cheong Kun Dang
Viên Uống Austinpharm All Vita A For Eyes
Charm Goods Puer Tea 50 Gói